Thực hiện Kế hoạch số 1043/KH-BGDĐT ngày 13 tháng 6 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” trong Ngành giáo dục,
Trường Đại học Võ Trường Toản tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền các kỹ năng phòng, chống ma túy nhằm thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống ma túy và thực hiện “Nói không với ma túy” đến với toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên (CBGVNV) và sinh viên (SV) với một số nội dung, cụ thể như sau:
1. Các loại ma túy mới
Hiện nay việc dùng ma túy trong tuổi trẻ rất đáng báo động, đặc biệt do xuất hiện nhiều loại ma túy mới gây khó khăn trong việc phát hiện người nghiện mới.
– Muối tắm: Có tên gọi trùng với sản phẩm muối tắm thông thường, thành phần gồm mephedrone và cathinone; tác động đến não bộ giống như ma túy đá; sử dụng bằng cách đốt, hít.
– Tem giấy: Là miếng giấy nhỏ có tẩm LSD – Chất gây ảo giác mạnh nhất hiện nay; sử dụng bằng cách liếm như dán tem hoặc ngậm trên lưỡi.
– Cỏ mỹ: Được làm từ lá Khát tẩm cần sa tổng hợp, tác dụng mạnh hơn cần sa thiên nhiên, trên bao bì có ghi dòng chữ K2 hoặc Spice; sử dụng bằng cách quấn hút như thuốc rê.
– Nấm thần: Gây ảo giác (ảo thị) rất nguy hiểm vì người sử dụng có thể không nhận thức được không gian, nên có thể nhảy qua lầu cao mà tưởng là nhảy qua bậc thềm hoặc không định lượng được khoảng cách khi giao thông, nên dễ gây ra tai nạn.
– Ngoài ra, còn có các loại ma túy khác như: Bóng cười, kẹo dẻo, kẹo cục gạch, quả dâu tây nhanh.
2. Tác hại của ma tuý
– Ma túy gây ức chế hoặc kích thích thần kinh nên có thể gây ra ảo giác, hoang tưởng khiến người nghiện liều mình đánh nhau, đua xe, tự hủy hoại chính mình hoặc gây thương vong cho người khác.
– Do bị phụ thuộc vào ma túy, buộc người nghiện phải tăng liều ngày càng cao, có thể gây sốc thuốc và tử vong.
– Ma túy khiến người nghiện suy kiệt sức khỏe, suy tim, suy thận, rối loạn tâm thần, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản,…
– Người nghiện ma túy dễ có quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn, dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS.
– Ma túy gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản và nam giới nghiện ma túy thường bị suy yếu khả năng tình dục.
– Do cơn nghiện vật vã, đôi khi người nghiện phải dùng chung dụng cụ tiêm chích dẫn đến lây nhiễm HIV/AIDS và nhiều bệnh khác qua đường máu.
– Người nghiện bị sa sút ý chí, khả năng học tập, làm việc cũng giảm sút.
– Người nghiện trở lên hung bạo, tìm mọi cách để kiếm tiền mua ma túy, kể cả hành vi vi phạm pháp luật (trộm, cắp, cướp giật,…).
3. Phòng tránh ma túy
– Tìm hiểu về tác hại của ma túy để cùng mọi người phòng tránh.
– Không tham gia tụ tập, hút thuốc, uống rượu, nghe nhạc kích động, đua xe, tham gia xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tham gia ngoại khoá của Nhà trường,…
– Không sử dụng, không lôi kéo người khác sử dụng ma túy, không tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma túy.
– Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người cai nghiện ma túy.
– Không nhận tiền, quà, vật có giá trị của người khác mà không rõ lý do, trong trường hợp người quen nhận chuyển đồ, hàng hoá cần hỏi rõ loại hàng và địa điểm chuyển đi đâu.
– Tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 không” (không thử, không giữ, không dùng ma túy). Mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống ma túy.
Trường Đại học Võ Trường Toản tích cực tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy và thực hiện “Nói không với ma tuý” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, rèn luyện kỹ năng phòng, chống ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp và ma túy “núp bóng” đối với toàn thể CBGVNV và SV Nhà trường./.