Hưởng ứng “Tháng cao điểm an toàn giao thông, tháng 9/2021”
Nguồn: https://dangcongsan.vn
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3678/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 27 tháng 8 năm 2021 về việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm học 2021-2022.
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm học 2021-2022. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên tuyền hưởng ứng “Tháng cao điểm an toàn giao thông, tháng 9/2021” Trường Đại học Võ Trường Toản tích cực triển khai quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và sinh viên thực hiện nghiêm túc quy định không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm và tuân thủ quy tắc giao thông.
1. Quy định về không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Hành vi bị nghiêm cấm
Hành vi uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông được xem là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Cụ thể, quy định này nêu rõ nghiêm cấm việc “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Bên cạnh đó, tại Điều 21 Luật này cũng có quy định “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông”.
Đã uống rượu, bia không lái xe
Tác hại, hậu quả của việc uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không những ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân người sử dụng mà còn để lại hậu quả, gánh nặng đối với gia đình và xã hội.
Bất kể nồng độ cồn trong máu cao hay thấp, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia là hành vi vô cùng nguy hiểm và vi phạm pháp luật. Chất cồn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, gây ra ảo giác, mất tập trung, làm suy giảm khả năng điều khiển phương tiện giao thông, rất dễ gây ra sự cố, cụ thể:
– Phản xạ chậm: Chất cồn sẽ khiến não bộ xử lý thông tin chậm chạp, phản xạ có điều kiện theo đó cũng suy giảm, làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
– Giảm sự tập trung: Một trong những kỹ năng lái xe an toàn đó tập trung, không xao nhãng để tránh các sự cố va chạm. Tuy nhiên, nếu trong cơ thể có nồng độ cồn, khả năng tập trung của bạn sẽ giảm, nên nguy cơ gây tai nạn cao.
– Giảm tầm nhìn: Chất cồn trong cơ thể làm cho khả năng tập trung và thị lực của bạn giảm sút và dễ gây ra các vụ tai nạn giao thông.
– Khả năng phán đoán suy giảm: Khả năng phán đoán khi lái xe đóng vai trò rất quan trọng, chúng giúp bạn có thể xử lý các tình huống nguy hiểm khi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, chất kích thích có trong rượu, bia sẽ khiến giảm khả năng phán đoán, dễ gặp sự cố va chạm khi lái xe.
Sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên nhiều vụ tai nạn không chỉ đối với bản thân người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến những người cùng tham gia giao thông khác.
2. Quy định về đội mũ bảo hiểm và tuân thủ quy tắc giao thông
a) Quy định về đội mũ bảo hiểm
Hãy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có một số quy định về đội mũ bảo hiểm như sau:
– Tại khoản 2 Điều 30 có quy định “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”.
– Tại khoản 2 Điều 31 có quy định “Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 06/2021/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy cách cài quai mũ bảo hiểm được quy định như sau:
– Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm;
– Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách: dung tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.
Hậu quả của việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông
Thực hiện không nghiêm chỉnh việc đội mũ bảo hiểm hay đội mũ kém chất lượng và không tuân thủ quy tắc khi tham gia giao thông là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn giao thông, phần lớn các vụ tai nạn đều để lại di chứng nặng nề. Điển hình là tình trạng các ca cấp cứu nặng, chấn thương sọ não, các bộ phận trên khuôn mặt bị biến dạng, trường hợp nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Hậu quả này không chỉ tác động trực tiếp đến nạn nhân mà còn ảnh hưởng tới người thân, gia đình và xã hội với những cái kết thương tâm.
Theo số liệu được công bố của Bộ Y tế, việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông giúp giảm khả năng chấn thương tới 69% và hạn chế khả năng tử vong lên đến 42%. Đối với những người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông có nguy cơ chấn thương sọ não cao gấp 4 lần. Nguy cơ này còn tăng lên gấp 10 lần trong các trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.
b) Tuân thủ quy tắc giao thông
Việc tuân thủ quy tắc giao thông được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như sau:
– Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
– Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.
3. Tuyên truyền hưởng ứng “Tháng cao điểm an toàn giao thông, tháng 9/2021”
Theo đó, Trường Đại học Võ Trường Toản tuyên truyền hưởng ứng “Thang cao điểm an toàn giao thông, tháng 9/2021” với một số nội dung cụ thể như sau:
– Triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực cổng trường học; phối hợp với các ban, ngành liên quan của địa phương tiếp tục xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.
– Đặt biển hạn chế tốc độ khu vực trường học; kiểm tra, rà soát, tổ chức giao thông tại Nhà trường phù hợp để bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và sinh viên.
– Tăng cường trách nhiệm của nhân viên bảo vệ trong việc quản lý, bao quát, kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông trong khuôn viên trường học đúng qui định và một số hoạt động khác.
Trường Đại học Võ Trường Toản tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Đặc biệt, các quy định về không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm và tuân thủ quy tắc giao thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của toàn thể cán bộ, nhà giáo, người lao động và sinh viên của Trường. Đồng thời, đảm bảo đúng quy định và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19./.