Mang thai 9 tháng 10 ngày là hành trình vô cùng vất vả và nhiều khó khăn đối với bà bầu. Ngoài việc thường xuyên thăm khám, bổ sung viên uống phù hợp thì việc chú trọng đến thực đơn cho bà bầu làm thế nào để đảm bảo dinh dưỡng cho cả mẹ và bé sẽ giúp thai kỳ của bạn diễn ra an toàn và thoải mái hơn.
I. VÌ SAO BÀ BẦU CẦN BỔ SUNG DINH DƯỠNG TRONG THAI KỲ?
Một thai kỳ tốt là một thai kỳ mà cả mẹ và bé đều phát triển khoẻ mạnh. Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh không chỉ giúp sức khoẻ của mẹ ổn định mà còn hỗ trợ thai nhi phát triển toàn diện, tạo tiền đề tốt cho trẻ sau này khi được sinh ra cho đến khi trưởng thành. Nếu trong quá trình mang thai, bà bầu không không được đáp ứng đủ các chất dinh dưỡng thì thai nhi sẽ có nguy cơ chậm phát triển. Việc cải thiện quá trình tăng trưởng của bào thai có thể hỗ trợ giảm đáng kể tỷ lệ bệnh tật ở những giai đoạn phát triển tiếp theo của trẻ.
Bà bầu cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm thực phẩm dưới đây để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh:
– Nhóm tinh bột và ngũ gốc: Bao gồm bánh mì, mì, cơm, yến mạch, ngũ cốc,… hỗ trợ cung cấp các chất quan trọng như sắt, vitamin B, chất xơ và một số protein.
– Nhóm trái cây, rau củ: Chứa nhiều dưỡng chất quan trọng đối với thai kỳ, đặc biệt vitamin C và axit folic.
– Thực phẩm giàu đạm: Các loại thịt, trứng, hải sản, các loại đậu, chế phẩm từ đậu nành, đậu phộng, các loại hạt,… để bổ sung canxi, sắt, protein. Sữa và chế phẩm từ sữa: Sữa tươi, phô mai, sữa chua, kem,… bổ sung canxi.
– Nhóm chất béo: Các loại cá chứa omega 3, omega 9, omega 6,… để tăng khả năng phát triển trí não cho thai nhi.
II. THỰC ĐƠN CHO BÀ BẦU THEO TỪNG GIAI ĐOẠN
Với mỗi giai đoạn thai kỳ, bà bầu cần chú ý thực đơn để đảm bảo bổ sung đầy đủ những nhóm dinh dưỡng cần thiết, đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi.
1. Tháng đầu thai kỳ
Tam cá nguyệt đầu tiên (từ tuần 1 đến tuần 13) là giai đoạn cực kỳ quan trọng với bà bầu. Bạn cần chú ý các biểu hiện để có thể phát hiện sớm việc mình đang mang thai, từ đó có thực đơn cho bà bầu 3 tháng đầu lành mạnh, sinh hoạt hợp lý cũng như theo sát sự phát triển của con.
Ngoài việc đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng ở trên, thực đơn cho mẹ bầu 3 tháng đầu cũng nên tập trung vào những dưỡng chất dưới đây, để bù vào sự thiếu hụt dinh dưỡng của cơ thể trong giai đoạn đầu mang thai:
– Canxi: Bà bầu cần khoảng 1.000mg canxi mỗi ngày từ thực phẩm và các viên uống bổ sung.
– Folate: Đây là thành phần đóng vai trò quan trọng với hệ thần kinh của thai nhi, có nhiều trong măng tây, nấm, rau có màu xanh đậm,…
– Sắt: Thực phẩm giàu sắt giúp hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, thiếu sắt thường xuyên gặp phải ở thai phụ, cũng như hạn chế hiện tượng này ở trẻ sau khi chào đời.
2. Tháng giữa thai kỳ
Đây là khoảng thời gian khá dễ chịu với mẹ bầu bởi lẽ thai nhi đã đi vào giai đoạn ổn định và tình trạng ốm nghén cũng được cải thiện dần. 3 tháng giữa thai kỳ là giai đoạn phát triển nhanh của thai nhi, chính vì vậy mẹ bầu cần được đáp ứng đủ năng lượng cần thiết. Thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa nên tăng khoảng 250 kcal/ ngày, đồng thời chú ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi, kẽm,…
– Bổ sung nhiều các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng: lòng trắng trứng, thực phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất, canxi.
– Thêm vào thực đơn các thực phẩm như khoai tây, rau cải trắng, các loại đậu, thịt bò, thịt lợn nạc, thịt gia cầm, trứng, hoa quả để bổ sung sắt cho thai nhi.
3. Tháng cuối thai kỳ
Hành trình về đích của mẹ bầu đang đến rất gần. Thời điểm này mẹ bầu sẽ cảm thấy nặng nề hơn trước vì thai nhi đang phát triển không ngừng. Thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ chỉ cần nạp thêm mỗi ngày khoảng 450 kcal (tức là 2450 kcal/ngày).
– Trái cây và rau quả: Đây là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin dồi dào và an toàn cho mẹ bầu. Bạn nên bổ sung 5 phần trái cây và rau quả mỗi ngày.
– Thực phẩm giàu tinh bột: Các thực phẩm như bánh mì, khoai tây, ngũ cốc ăn sáng, gạo, mì ống và mì,… sẽ giúp bạn bổ sung năng lượng và duy trì sức khỏe ổn định cho cả mẹ và thai nhi.
– Chất đạm: Thực phẩm gồm thịt (tránh gan), cá, thịt gia cầm, trứng, đậu, các loại hạt. Đây là nguồn protein dồi dào giúp hỗ trợ cho sự phát triển của bào thai.
III. NHỮNG THỨC ĂN CẦN TRÁNH TRONG THỰC ĐƠN CHO BÀ BẦU
Ngoài những thực đơn cho bà bầu nêu trên, có một số loại thực phẩm không tốt cho quá trình mang thai mà mẹ bầu cũng nên lưu ý:
1. Cá sống và cá có hàm lượng thủy ngân cao
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị nhiễm khuẩn Listeria – Một loại vi khuẩn có trong cá sống hoặc chưa nấu chín cao gấp 10 lần bình thường. Hãy tránh các loại cá có chứa nhiều thủy ngân như cá kiếm, cá thu, cá ngừ…
2. Thịt sống hoặc đã qua chế biến công nghiệp
Tương tự như ăn cá sống, ăn thịt sống hoặc nấu chưa chín sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khi mang thai. Bạn cũng nên hạn chế ăn xúc xích và thịt nguội vì có chứa thành phần bảo quản không tốt cho mẹ bầu và thai nhi.
3. Rượu bia
Uống rượu bia khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của thai nhi và làm tăng nguy cơ sinh non, nhẹ cân hoặc sẩy thai.
4. Giảm thiểu lượng cà phê
Uống nhiều cà phê trong thời kỳ mang thai có thể hạn chế sự phát triển của thai nhi; do đó, bà bầu nên hạn chế lượng cà phê dưới 200 mg mỗi ngày – Tức là khoảng hai tách (16 fl oz) cà phê mỗi ngày.
5. Trứng sống hoặc luộc chưa kỹ
Ăn trứng sống hoặc trứng luộc chưa kỹ khi mang thai làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella, có thể gây sốt, buồn nôn, nôn mửa, co thắt dạ dày và tiêu chảy.
Những loại thực phẩm này ít nhiều có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Hãy cố gắng hạn chế tối đa sử dụng các loại thực phẩm kể trên, và đừng quên bổ sung những nhóm dinh dưỡng lành mạnh.
Trường Đại học Võ Trường Toản luôn mong muốn mang đến những thông tin sức khỏe hữu ích để cùng bạn sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc hơn mỗi ngày./.
– Sưu tầm –
Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa nguồn tham khảo.