Ngày 09 tháng 01 năm 2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khoá XV, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đã được thông qua. Quốc hội giao Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, Ngành liên quan xây dựng Nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn chi tiết và thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 được Quốc hội khóa 15 thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024 có nhiều điểm mới, dưới đây là một số điểm mới cơ bản như sau:
1. Bổ sung quy định về thân nhân của người bệnh(tại khoản 11 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023):
– Vợ hoặc chồng: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng: con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể của người bệnh hoặc thành viên khác trong gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
– Người đại diện của người bệnh.
– Người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không phải là người hành nghề
2. Bổ sung thêm và sửa đổi đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh(Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023)
– Bổ sung thêm đối tượng: Người khuyết tật đặc biệt nặng.
– Sửa điều kiện về tuổi (từ đủ 80 tuổi xuống còn từ đủ 75 tuổi).
3. Quyền được khám, chữa bệnh của người bệnh(Điều 9 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về quyền được khám bệnh, chữa bệnh) như sau:
– Bổ sung được tôn trọng về tôn giáo, tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế.
– Bổ sung được giữ bí mật thông tin khác về đời tư đã cung cấp trong quá trình khám chữa bệnh.
– Thêm mới: Được hướng dẫn cách tự chăm sóc, theo dõi, phòng ngừa tai biến; Không bị ngược đãi, lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục trong quá trình khám chữa bệnh; Được đọc, xem, chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án; Được kiến nghị về các tồn tại, bất cập, khó khăn vướng mắc trong quá trình khám chữa bệnh; Được bồi thường khi có tai biến y khoa trừ trường hợp y, bác sĩ không có sai sót chuyên môn kỹ thuật được hội đồng chuyên môn xác định; Khi nhận thuốc kê đơn, người bệnh sẽ nhận được đơn thuốc không có thực phẩm chức năng.
4. Người bệnh được khám, chữa bệnh lưu động, từ xa
– Theo đó Luật quy định khám, chữa bệnh từ xa là hình thức khám bệnh, chữa bệnh không trực tiếp tiếp xúc giữa người hành nghề và người bệnh mà việc khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện thông qua thiết bị, công nghệ thông tin.
– Bổ sung thêm hình thức khám, chữa bệnh lưu động.
5. Thêm điều kiện bệnh nhân được chuyển khoa, chuyển viện
– Đối với chuyển khoa: Phát hiện tình trạng bệnh của người bệnh thích hợp khám, chữa bệnh tại chuyên khoa khác hơn. Khoa chuyển người bệnh đi hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, chuyển người bệnh và hồ sơ bệnh án đến khoa mới.
– Đối với chuyển viện: Cơ sở khám, chữa bệnh hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh mới. Trường hợp chuyển viện theo yêu cầu của thân nhân người bệnh thì thân nhân người bệnh phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc chuyển viện.
6. Luật sửa đổi đã mở rộng đối tượng hành nghề, thêm 03 đối tượng phải có giấy phép hành nghề(Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023)
– Dinh dưỡng lâm sàng.
– Cấp cứu viên ngoại viện.
– Tâm lý lâm sàng.
7. Việc cấp giấy phép hành nghề có nhiều thay đổi
– Cụm từ “Chứng chỉ hành nghề” thay bằng “Giấy phép hành nghề”.
– Việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn chuyển sang theo chức danh chuyên môn.
– Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc xét duyệt hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề.
– Quy định giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm.
8. Các trường hợp không phải kiểm tra năng lực hành nghề (Điều 121 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023)
– Chứng chỉ hành nghề được cấp trước ngày 01 tháng 01 năm 2024 được chuyển đổi sang giấy phép hành nghề theo lộ trình do Chính phủ quy định và thực hiện việc gia hạn theo định kỳ 05 năm một lần kể từ ngày chuyển đổi theo quy định của Luật này.
– Đặc biệt, người được cấp văn bằng đào tạo y sỹ trình độ trung cấp sau ngày 31 tháng 12 năm 2026 thì không được cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ.
– Trong thời gian chuyển đổi người đăng ký cấp giấy phép hành nghề sẽ không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh như sau:
+ Chức danh bác sĩ: từ ngày 01/01/2027.
+ Chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh: từ ngày 01/01/2028.
+ Chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu ngoại viện và tâm lý lâm sàng: Từ ngày 01/01/2029.
9. Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề(Điều 105 – Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023)
Khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu như sau:
– Hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.
– Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.
10. Điều kiện được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Điều 19 – Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023)
– Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực.
– Đã đăng ký hành nghề, trừ trường hợp người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề.
– Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
– Có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
– Không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 gồm 12 chương và 121 Điều tăng 03 chương và 30 điều so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao trong Luật.
– Sưu tầm –
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN THẠC SĨ (NỘI KHOA, NGOẠI KHOA, SẢN PHỤ KHOA)