Thực hiện Công văn số 6230/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 08 tháng 11 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, Trường Đại học Võ Trường Toản tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền Tháng Hàng động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2023, với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” đến với toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên với khẩu hiệu “PrEP giúp bạn dự phòng lây nhiễm HIV!” với một số nội dung cụ thể như sau:
1. PrEP là gì?
– PrEP viết tắt từ tiếng Anh (Pre-exposure prophylaxis), có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Nó có nghĩa là một người có hành vi nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV nhưng chưa bị nhiễm HIV sử dụng thuốc kháng virus (ARV) mỗi ngày để dự phòng không bị nhiễm HIV.
– Thuốc PrEP hiện đang sử dụng ở Việt Nam có tên là Truvada. Nó kết hợp 2 loại thuốc ARV là Tenofovir và Emtricitabine. Khi dùng Truvada hàng ngày, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho virus HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể.
2. Ai có thể dùng được PrEP?
Tất cả những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao và chưa nhiễm HIV, cụ thể là:
– Người nam có quan hệ tình dục đồng giới;
– Người chuyển giới nữ;
– Người bán dâm;
– Người tiêm chích ma túy;
– Bạn tình của người nhiễm HIV và người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt ức chế vi rút (vẫn còn trên 200 bản sao/ml máu);
– Những người đã điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP) nhưng tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV cũng nên dùng PrEP.
3. Ai không nên sử dụng PrEP?
– Người dị ứng với thuốc (tenofovir và emtricitabine);
– Người mắc rối loạn chức năng thận;
– Người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HIV cấp tính;
– Người đang sống với HIV,…
Do không phải tất cả mọi người đều dùng được PrEP, nên một người muốn dùng PrEP cần phải được bác sĩ tư vấn, khám và làm xét nghiệm trước khi chỉ định dùng.
4. Trước khi sử dụng PrEP cần làm gì?
Cần đến gặp bác sĩ để được:
– Tư vấn;
– Xét nghiệm HIV;
– Có thể cân nhắc xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
– Xét nghiệm chức năng thận,…
Nếu khách hàng có thể dùng được PrEP, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, giải thích và hướng dẫn việc sử PrEP.
5. PrEP dùng như thế nào?
– Thuốc PrEP uống hàng ngày, mỗi ngày một viên. Có thể uống trước hoặc sau khi ăn.
– Nên uống vào một thời điểm nhất định để tạo ra thói quen uống thuốc đều đặn.
– Nếu quên liều, cần uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên không được uống quá 2 liều trong một ngày (trong 24 giờ).
– PrEP không tương tác với đa số các thuốc khác nên an toàn khi uống cùng với nhau.
6. Các tác dụng phụ của PrEP là gì?
– Hầu hết người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Chỉ có khoảng 10% người sử dụng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, chán ăn…
– Thông thường, các tác dụng phụ này sẽ hết sau một đến hai tuần. PrEP không ảnh hưởng tới việc sử dụng hormon.
– Cần gọi điện và đến gặp bác sĩ ngay nếu những biểu hiện này kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt của khách hàng.
7. Sử dụng PrEP sau bao lâu mới có tác dụng?
– Đối với quan hệ tình dục qua đường hậu môn: Với PrEP hàng ngày, cần sử dụng ít nhất 7 liều (7 ngày) mới có tác dụng tối đa phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
– Đối với quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc phòng lây nhiễm HIV qua đường máu: Cần uống ít nhất 21 ngày mới có tác dụng phòng lây nhiễm HIV tối đa.
8. Sử dụng PrEP thì không cần dùng bao cao su?
PrEP chỉ dự phòng lây nhiễm HIV nhưng không dự phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai hay viêm gan B, C… và không giúp phòng tránh thai. Do vậy vẫn cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
9. Khi nào có thể dừng sử dụng PrEP?
PrEP không cần phải dùng cả đời, có thể dừng sử dụng PrEP khi:
– Không còn nguy cơ lây nhiễm HIV, ví dụ: Luôn sử dụng bao cao su đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục; không sử dụng chung bơm kim tiêm,…;
– Chỉ có một bạn tình mà bạn tình đó có HIV âm tính và không có hành vi nguy cơ cao;
– Vợ/chồng hoặc bạn tình có HIV đã điều trị ARV trên 6 tháng và có tải lượng virus đạt ngưỡng ức chế (dưới 200 bản sao/ml máu).
Lưu ý: Điều quan trọng, trước khi dừng PrEP cần có sự tham vấn bác sĩ.
10. PrEP được cấp ở đâu?
Hiện tại thuốc PrEP đang được cung cấp tại các cơ sở điều trị PrEP của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang,…
Trong thời gian tới, thuốc PrEP sẽ được cung cấp rộng rãi tại các tỉnh thành phố khác trong cả nước.
Trường Đại học Võ Trường Toản tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền Tháng Hàng động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2023, với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” đến với toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên với khẩu hiệu “PrEP giúp bạn dự phòng lây nhiễm HIV!”./.