Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là định hướng quan trọng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới cần được nghiên cứu, quán triệt thấu đáo, nhất là những vấn đề cần được nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn, nhằm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới là sự kế thừa, phát triển Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI), để phù hợp với sự biến động, phát triển của tình hình thế giới, khu vực và đất nước trong bối cảnh mới. Chiến lược được thông qua và ban hành có sự bổ sung, phát triển; trong đó, những vấn đề có tính nguyên tắc được giữ vững và phát triển, như: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; sức mạnh tổng hợp quốc gia; khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền Quốc phòng toàn dân (QPTD), nền An ninh nhân dân (ANND); xây dựng Lực lượng Vũ trang nhân dân (LLVTND); chuẩn bị đất nước sẵn sàng đối phó với các tình huống xung đột và chiến tranh, v.v. Đồng thời, Chiến lược cũng xác định những vấn đề cần được nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn.
Trên cơ sở đánh giá tổng quát về kết quả đạt được và dự báo sát, đúng tình hình, Chiến lược đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp BVTQ trong thời gian tới. Đồng thời, khẳng định các vấn đề cần nhận thức đầy đủ hơn, bổ sung, phát triển mới phù hợp tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Trước hết, Về nội dung, sau khi khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Chiến lược nêu rõ các vấn đề cần có nhận thức mới, bổ sung, phát triển mới, có thể khái quát trên một số nội dung cơ bản sau:
Một là, về nhân tố Nhân dân trong Chiến lược. Kế thừa kinh nghiệm trong lịch sử về vai trò của nhân dân, cùng những phát triển nhận thức về vai trò của nhân dân trong các nghị quyết của Đảng, Chiến lược khẳng định: phát huy dân chủ của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ, với phương châm dựa vào dân, “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể; khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, ý chí kiên cường, bất khuất, văn hóa tốt đẹp, sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, “thế trận lòng dân”, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Trong bối cảnh mới, Chiến lược chỉ rõ: phải mở rộng dân chủ Xã hội chủ nghĩa (XHCN), quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo giữa các bộ phận dân cư, giữa các vùng, miền, tạo sự đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ BVTQ.
Hai là, về lợi ích quốc gia – dân tộc. Đây là nội dung đầu tiên được xác định trong mục tiêu chung của Chiến lược. Điều đó cho thấy, việc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc cần được nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn và phải tìm mọi giải pháp để bảo vệ lợi ích tối quan trọng này. Ở đây, chúng ta cần khẳng định rằng, lợi ích quốc gia – dân tộc là một trong những vấn đề quan trọng nhất của một dân tộc, gồm toàn bộ các điều kiện cần thiết cho một dân tộc trường tồn và phát triển. Lợi ích quốc gia – dân tộc là lợi ích bao trùm của các lợi ích. Vì vậy, nó cần được đặt lên trên hết, trước hết. Chiến lược nêu rõ quan điểm: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế”. Như vậy, khi xác định mục tiêu chung, Chiến lược đã đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, bổ sung nội dung bảo vệ thành quả cách mạng; bảo vệ uy tín, vị thế quốc tế của đất nước; dập tắt nguy cơ xung đột, chiến tranh; đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình thế giới. Coi lợi ích quốc gia – dân tộc là mục tiêu cao nhất trong các hoạt động đối nội, đối ngoại, nhất là trong xử lý các vấn đề quốc tế.
Ba là, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Kế thừa truyền thống “cố kết dân tộc” từ hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chiến lược đã có sự sắp xếp lại các nhiệm vụ và giải pháp cho hợp lý hơn, đưa nhiệm vụ và giải pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc,… từ vị trí thứ tư lên vị trí thứ hai và diễn đạt đầy đủ hơn: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thay vì chỉ viết như trước đây: “Củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đồng thời, nêu rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội; tích cực đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch; coi trọng ý kiến đóng góp của nhân dân; giữ gìn mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Bốn là, về sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trên cơ sở tiếp tục khẳng định sức mạnh BVTQ là sức mạnh tổng hợp của quốc gia, sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh toàn diện của các lĩnh vực trong đời sống xã hội,… Chiến lược nêu rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của Nhân dân với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh từ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với vấn đề mới là nền kinh tế số, xã hội số, kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường QPAN, tạo nền tảng vật chất vững chắc cho sự nghiệp BVTQ. Chiến lược đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của văn hóa – nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực để xây dựng và BVTQ, coi trọng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; tích cực quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cùng với văn hóa, Chiến lược cũng nhấn mạnh vai trò của đối ngoại trong thực hiện các chính sách đối ngoại của Việt Nam, luôn lấy lợi ích quốc gia – dân tộc làm tiêu chuẩn cao nhất trong hành xử quốc tế, “không ngừng nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước”. Coi văn hóa và đối ngoại là những nội dung cơ bản của “sức mạnh mềm” quốc gia có sức hấp dẫn, lan tỏa, thu hút, thuyết phục bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, cùng với các sức mạnh khác hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia. Chiến lược cũng khẳng định: “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,… trong đó, nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, nguồn lực bên ngoài là đột phá quan trọng”.
Năm là, kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh mới, thì nội dung này trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Không những thế, các thế lực thù địch đã, đang và sẽ dựa vào đó, nhất là chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao để đẩy mạnh chống phá, cho rằng đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân là lỗi thời, lạc hậu, thì sự khẳng định quan điểm: “thực hiện nghiêm, hiệu quả đường lối QPTD, chiến tranh nhân dân” càng có ý nghĩa quan trọng. Một nền QPTD vững mạnh, một cuộc chiến tranh nhân dân đích thực thì không một thế lực nào có thể đánh bại được. Thực hiện quan điểm nêu trên, Chiến lược nhấn mạnh phải xây dựng sức mạnh toàn diện, vững chắc ngay từ thời bình, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh. Coi trọng xây dựng sức mạnh quân sự Nhà nước, sức mạnh đặc trưng của sức mạnh dân tộc. Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trước mắt thực hiện tốt xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp BVTQ.
Sáu là, thực hiện chính sách bốn không. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về quân sự, quốc phòng cũng như tinh thần độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế, nhưng lần đầu tiên được khẳng định trong phương châm chỉ đạo của Chiến lược; đó là “không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Sự khẳng định đó là cần thiết, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, coi trọng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, bất đồng bằng các giải pháp hòa bình. Trong nhiệm vụ và giải pháp về đối ngoại nêu rõ: “Chủ động giải quyết các mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên, nhân viên của Nhà trường cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi, quy mô của mình; phát huy những thế mạnh, chủ động tích cực khắc phục vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là nghiên cứu cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp chiến lược, có chương trình, kế hoạch vận dụng phù hợp, sáng tạo, hiệu quả cao vào từng phòng, khoa, cơ quan, tập thể lớp của Nhà trường. Đồng thời kiên trì đường lối QPTD, chiến tranh nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở./.
— Khoa GDQP&AN, Trường Đại học Võ Trường Toản —
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN THẠC SĨ (NỘI KHOA, NGOẠI KHOA, SẢN PHỤ KHOA)