Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất.
Ngày 21/6/1925, Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” – Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra số đầu tiên, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta.
Ngày 02/6/1950, Chính phủ quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (nay là Hội Nhà Báo Việt Nam).
Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức. Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, Báo Quân đội Nhân dân ra đời.
Ngày 05/02/1985, theo Quyết định số 52-QĐ/TW của Ban Bí thư, lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam (ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên), nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.
Ngày 21/6/2000, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (hay còn được gọi là Ngày Báo chí Việt Nam) là dịp kỷ niệm, tri ân các thế hệ nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành đôi khi là cả máu và nước mắt để độc giả có những bài báo hay, phản ánh chân thực các sự kiện nóng hổi, các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh./.