Xyanua (Cyanide) là hóa chất cực độc nguy hiểm đến tính mạng con người dù tiếp xúc với lượng rất nhỏ. Cùng tìm hiểu Xyanua là gì và có tác động thế nào với sức khỏe nhé!
Khi nhắc đến Xyanua, nhiều người sẽ cảm thấy sợ hãi khi đây là loại hóa chất được xếp vào nhóm cực độc nên rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Thế nhưng, loại hóa chất này vẫn được dùng ở mức cho phép trong việc sản xuất giấy, dệt may, nhựa hay dùng để diệt sâu bệnh, sâu bọ.
Do đó việc hiểu rõ về chất độc này sẽ giúp bạn cảnh giác và biết cách bảo vệ bản thân. Cùng tìm hiểu xem Xyanua (Cyanide) là gì và tác động thế nào đối với sức khỏe qua bài viết sau!
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Xyanua là một hóa chất cực mạnh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng kể cả ở nhiều dạng hợp chất khác nhau. Xyanua có thể tồn tại ở thể khí không màu như hydro Xyanua (HCN), Xyanua clorua (CNCl) hoặc dạng tinh thể như kali Xyanua (KCN), natri Xyanua (NaCN).
Về mùi vị, Xyanua được mô tả là có mùi giống như “hạnh nhân đắng”, nhưng đôi khi là không mùi, do đó rất khó có thể phân biệt được Xyanua với các hóa chất khác.
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Xyanua là chất cực độc, chỉ cần trúng độc 50 mg chất Xyanua cũng có thể làm chết một người.
Xyanua khi tiếp xúc sẽ hấp thụ nhanh vào cơ thể và ức chế nhanh hệ hô hấp, hệ thần kinh, do đó nó có thể gây nguy hiểm tính mạng ngay cả khi chỉ tiêu thụ một liều lượng rất nhỏ.
Mức độ nguy hiểm do ngộ độc Xyanua sẽ phụ thuộc vào lượng Xyanua mà cơ thể tiếp xúc, cũng như lộ trình và thời gian tiếp xúc. Việc hít phải khí Xyanua sẽ nguy hiểm nhất, đồng thời nuốt và uống phải Xyanua cũng sẽ gây ngộ độc.
Khi Xyanua đi vào cơ thể con người, chất độc này sẽ ngăn các tế bào trong cơ thể sử dụng oxy, từ đó các tế bào sẽ chết dần và có hại cho tim, não hơn hết.
Khi bị ngộ độc Xyanua, nạn nhân thường trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên là kích động, thở gấp, lú lẫn và cảm thấy kích động. Tiếp theo, nạn nhân sẽ khó thở, co giật và huyết áp giảm. Cuối cùng, nạn nhân sẽ bị hôn mê sâu, trụy tim, mất phản xạ và có thể dẫn đến tử vong.
Con người có thể nhiễm Xyanua khi tiếp xúc ở lượng nhỏ do hít phải, tiếp xúc qua da hay ăn phải thực phẩm, những dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm Xyanua diễn ra trong vài phút bao gồm: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thở gấp, nhịp tim đập nhanh, cơ thể yếu ớt, bồn chồn.
Dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm Xyanua
Nếu tiếp xúc một lượng lớn Xyanua sẽ có các triệu chứng nguy hiểm hơn như:
– Tinh thần mất ý thức.
– Huyết áp giảm.
– Chấn thương phổi.
– Co giật.
– Nhịp tim đập chậm lại.
– Suy hô hấp và dẫn đến tử vong.
Nếu nạn nhân sống sót sau khi bị ngộ độc thì vẫn bị những tổn thường về não, tim và thần kinh.
Ngay khi phát hiện người bị ngộ độc Xyanua, chúng ta cần ngay lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để có biện pháp cấp cứu kịp thời. Bởi nếu không được sơ cứu, chữa trị kịp thời trong vòng 2 giờ sẽ có nguy cơ tử vong cao. Đồng thời, bạn nên cần cẩn thận sơ chế kỹ trước khi tiêu thụ những thực phẩm tự nhiên được chuyên gia cảnh báo là có chứa Xyanua.
Điều đặc biệt nguy hiểm là Xyanua có thể được tìm thấy trong tự nhiên từ các thực phẩm như sắn (khoai mì). hạnh nhân, đậu lima, măng chưa được sơ chế kỹ, hay có trong hạt trái cây của đào, táo,mơ, lê, mận, cherry. Nguyên nhân là vì những thực phẩm trên có chứa glycoside amygdalin sẽ giải phóng Xyanua bên trong hệ tiêu hóa nếu tiêu thụ.
Tuy nhiên, Xyanua trong thực vật thường tồn tại dưới dạng glycoside cyanogen, một hợp chất tương đối an toàn. Chỉ khi được tiêu hóa, glycoside cyanogen sẽ chuyển hóa thành Hydro Xyanua gây ngộ độc.
May mắn thay, việc nấu chín kỹ các thực vật này trong nước sôi có thể phá hủy glycoside cyanogen giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ ngộ độc.
Bên cạnh đó, Xyanua còn được sử dụng phổ biến trong sản xuất, có thể tìm thấy trong khói thuốc lá, khói đám cháy hay trong các sản phẩm dệt may, sản xuất giấy, nhựa, thuốc trừ sâu.
Sắn và măng tươi là 2 loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc Xyanua nếu không được chế biến đúng cách.
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa, nguyên nhân ngộ độc Xyanua trong sắn xuất phát từ việc hấp thụ Acid xyanhidric (HCN) – Chất độc sinh ra từ nhóm Xyanua có nhiều ở vỏ, đầu, đuôi và lõi sắn. Tương tự, măng tươi cũng chứa Xyanua và có thể gây ngộ độc nếu không ngâm kỹ trước khi chế biến hoặc sử dụng nước luộc măng.
Để đảm bảo an toàn, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo cần tuân thủ các biện pháp loại bỏ độc tố khi chế biến hai loại thực phẩm này:
– Đối với sắn:
+ Ngâm sắn trong nước vài tiếng trước khi chế biến để loại bỏ bớt Xyanua.
+ Gọt vỏ sạch, cắt bỏ đầu, đuôi củ sắn.
+ Luộc sắn ngập nước, mở nắp để Xyanua bay hơi.
+ Bỏ phần lõi sắn khi ăn.
+ Tránh ăn các loại sắn cao sản chế biến công nghiệp và ăn khi đói.
– Đối với măng:
+ Thái măng, ngâm trong nước.
+ Luộc măng, đổ nước luộc đi.
+ Với măng khô thì bạn nên ngâm, luộc kỹ trước khi chế biến./.
— Sưu tầm —