
Một số phương pháp giúp trẻ rèn luyện Chữ đẹp
02/11/2024
Học sinh cần mang theo giấy tờ gì khi đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế?
02/11/2024Tiêm chủng vắc xin là phương pháp phòng ngừa bệnh dịch truyền nhiễm hiệu quả, tiết kiệm và đơn giản nhất hiện nay. Với thành tựu của vắc xin đã xây dựng và duy trì qua gần 230 năm qua, tiêm chủng vắc xin đóng vai trò quan trọng hàng đầu của hệ thống an ninh y tế toàn cầu, việc tiêm chủng dần trở thành quyền lợi của mỗi cá nhân và là trách nhiệm của mỗi người đối với sức khỏe và sự phát triển của toàn xã hội. Vậy, để tối ưu hóa hiệu quả và đảm bảo an toàn tiêm ngừa, những điều cần biết trước và sau khi tiêm chủng là gì? Cần chuẩn bị những gì? Cách thực hiện đúng ra sao?

Trước khi tiêm vắc xin, cần chuẩn bị đầy đủ thông tin về sức khỏe, lịch sử tiêm chủng, đồng thời trang bị đầy đủ kiến thức tiêm chủng khoa học về y tế, tiêm chủng và vắc xin.
1. Đi tiêm chủng cần mang những gì?
Để phục vụ cho quá trình khai thác thông tin tiêm chủng, thông tin cá nhân và các thông tin có liên quan khác của người tiêm, khi đi tiêm chủng, cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng sau:
– Sổ tiêm chủng hoặc phiếu tiêm chủng.
– Giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của trẻ.
– Phiếu đăng ký tiêm chủng vắc xin hoặc số thứ tự tiêm chủng (nếu có).
– Giấy tờ tùy thân (chứng minh thư/chứng minh nhân dân/căn cước công dân/,…).
– Giấy tờ, hồ sơ có liên quan đến tình trạng sức khỏe của người tiêm (kết quả chẩn đoán/xét nghiệm dương tính với bệnh đái tháo đường, béo phì, bệnh tim mạch, bệnh thận, dị ứng với thuốc,…).
2. Trước khi tiêm chủng
Bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm chủng được thực hiện theo đúng quy định nghiêm ngặt của Bộ Y Tế, tập trung vào việc đánh giá tình trạng sức khỏe chung của cơ thể bao gồm:
– Đo thân nhiệt.
– Đánh giá tri giác.
– Quan sát nhịp thở, nghe phổi.
– Nghe tim.- Phát hiện các bất thường khác.

Người tiêm chủng cần theo dõi tình trạng sức khỏe để thông báo cho bác sĩ khi được khám sàng lọc trước tiêm phòng.
2.1. Với trẻ nhỏ
Bố mẹ cần thông báo cho bác sĩ các vấn đề về sức khỏe và lịch sử tiêm chủng như:
– Trẻ đã đủ cân nặng 2.5kg chưa? (Nếu là trẻ sơ sinh).
– Trẻ có bú (ăn), uống, ngủ và chơi bình thường không?
– Trẻ có đang sốt hay mắc bệnh gì không? Trẻ có bệnh lý bẩm sinh hoặc bệnh lý mắc phải khiến trẻ phải nhập viện điều trị từ khi sinh đến nay.
– Trẻ có đang dùng thuốc hoặc sử dụng phương pháp điều trị nào không?
– Trẻ có tiền sử dị ứng với thuốc hay thức ăn nào không?
– Trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc có phản ứng nặng ở các lần tiêm trước hay không?
– Khi trẻ chưa đạt tiêu chuẩn về cân nặng hoặc có một trong các biểu hiện bệnh lý thì phải hoãn lịch tiêm cho đến khi trẻ đủ cân nặng, hết sốt hoặc khỏi bệnh.
– Khi đưa trẻ đi tiêm phòng, gia đình trẻ cần mang đủ sổ, phiếu tiêm phòng

Trẻ được khám sàng lọc và đánh giá toàn diện thể trạng. Căn cứ vào kết quả khám và lịch tiêm phòng, bác sĩ sẽ phối hợp cùng gia đình lựa chọn mũi tiêm tiếp theo.
Nên tuân thủ lịch tiêm phòng theo lứa tuổi đã được Bộ Y tế và các chuyên gia khuyến cáo. Tiêm phòng đúng thời điểm giúp tạo miễn dịch hiệu quả cho trẻ, tránh trường hợp mắc bệnh xảy ra nếu chưa kịp tiêm phòng.
2.2. Với người lớn đi tiêm chủng: Cũng cần thông báo cho bác sĩ các vấn đề sức khỏe của mình bao gồm các bệnh đã mắc, những loại thuốc, liệu pháp điều trị đang dùng, loại vắc xin đã tiêm gần đây (trong vòng 04 tuần) và phản ứng của cơ thể ở những lần tiêm chủng trước hoặc các phản ứng, dị ứng đã gặp.
2.3. Với phụ nữ: Ngoài các thông tin cơ bản như trên, cần thông báo cho bác sĩ biết mình đang có thai hay không, hoặc thời gian dự định có thai.
3. Sau khi tiêm chủng
3.1. Trẻ em và người lớn: Đều cần được theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường, nôn trớ, thở nhanh hay ngắt quãng, thở khò khè, da mẩn đỏ,… cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất.
Trẻ em cần tiếp tục được theo dõi trong 24 – 48 giờ sau khi tiêm bao gồm:
– Thân nhiệt, nhịp thở.
– Sự tỉnh táo (chơi đùa), ăn, ngủ.
– Quan sát da toàn thân và vùng tiêm (sưng, mẩn đỏ và phát ban).
3.2. Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng
– Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.
– Luôn bên cạnh trẻ 24/24, kiểm tra thường xuyên trẻ đặc biệt là về ban đêm.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn.
– Kiểm tra thân nhiệt nếu trẻ có sốt thì xử trí như sau:
+ Nếu sốt < 38,5 độ C: Chườm trán, nách, bẹn, bằng nước ấm hoặc dùng miếng hạ sốt dán trán. Cho trẻ uống nhiều nước nếu còn bú mẹ cho trẻ bú thường xuyên hơn. Mặc thoáng mát không nên ủ ấm trẻ.
+ Nếu sốt > 38,5 độ C: Dùng hạ sốt theo đơn của bác sĩ hoặc có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38,5 độ C, quấy khóc.
– Sốt cao > 39 độ C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng.
+ Quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê.
+ Co giật.
+ Nôn trớ, bú kém, bỏ bú.
+ Phát ban.
+ Thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi.
+ Chi lạnh, da nổi vân tím.
+ Hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.
– Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ.
– Chú ý khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
– Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
– Nếu quầng đỏ tiếp tục to lên > 2cm, cứng, nóng cần đưa trẻ khám lại ngay.

* Tất cả các trường hợp sau tiêm phòng cần đưa trẻ đi khám lại ngay khi:
+ Trẻ co giật, quấy khóc kéo dài, li bì và bỏ bú.
+ Khó thở, tím tái, nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh và nổi vân tím.
+ Sốt cao liên tục > 39 độ C, dùng hạ sốt không đỡ hoặc sốt cao > 3 ngày.
+ Vị trí tiêm sưng, cứng, đau và có quầng đỏ kích thước > 2cm.
+ Nôn, trớ liên tục đau quặn bụng,…

Những điều cần biết trước và sau khi tiêm chủng đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả của quá trình tiêm chủng. Việc tìm hiểu và hiểu biết đúng đắn về thông tin vắc xin, quy trình tiêm chủng, cách hỗ trợ trẻ trước, trong và chăm sóc trẻ sau khi tiêm sẽ giúp các bậc làm cha làm mẹ có thể đưa ra những quyết định thông minh và kịp thời cho những vấn đề phát sinh trong hành trình tiêm chủng của con, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai.
Trên đây là một số nội dung tham khảo cho Quý bạn đọc tại Cơ sở Tiêm chủng vắc xin của Bệnh viện Đại học Võ Trường Toản. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào cần đến sự tư vấn giải đáp thắc mắc vui lòng liên hệ để được Bác sĩ hỗ trợ ngay qua số Hotline: 0293.3951.222. Điện thoại đặt lịch khám: 0939.993.556 hoặc bạn cũng có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đại học Võ Trường Toản, địa chỉ: Quốc lộ 1A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang./.
— Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đại học Võ Trường Toản —